Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi đối với các công việc sản xuất thời vụ, gia công kể từ ngày 01/02/2022

Ngày 15/12/2021, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH Quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với NLĐ làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng.

Theo đó, quy định này áp dụng đối với NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và hợp đồng lao động không xác định thời hạn làm công việc sau:

a) Sản xuất có tính thời vụ trong ngành nông – lâm – ngư – diêm nghiệp, đòi hỏi phải thu hoạch ngay hoặc sau khi thu hoạch phải chế biến ngay không để lâu dài được;

b) Gia công hàng theo đơn đặt hàng, bị phụ thuộc vào thời điểm chủ hàng yêu cầu.

Khi đó, NSDLĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 sử dụng NLĐ làm các công việc nêu trên.

I – QUỸ THỜI GIỜ LÀM VIỆC TIÊU CHUẨN TRONG NĂM

Theo Điều 3 Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về Quỹ thời giờ làm việc tiêu chuẩn trong năm như sau:

TQ = [TN – (Tt + Tp + TL)] x tn (giờ)

Trong đó:

– TQ: Quỹ thời giờ làm việc tiêu chuẩn trong năm của NLĐ;

– TN: Số ngày trong năm tính theo năm dương lịch là 365 ngày hoặc là 366 ngày nếu là năm nhuận;

– TT: Tổng số ngày nghỉ hằng tuần trong năm được xác định theo quy định tại Điều 111 của Bộ luật Lao động;

– TP: Số ngày nghỉ hằng năm là 12, 14 hoặc 16 ngày và được tăng theo thâm niên làm việc theo quy định tại Điều 113, Điều 114 của Bộ luật Lao động và Điều 66 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động

– TL: Số ngày nghỉ lễ trong năm là 11 ngày theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động.

– tn: Số giờ làm việc bình thường trong một ngày là 8 giờ theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động.

Hằng năm, căn cứ vào quỹ thời giờ làm việc tiêu chuẩn trong năm (TQ) đã tính theo hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư này, NSDLĐ lập kế hoạch xác định số giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày của NLĐ theo các trường hợp sau (Điều 4 Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH):

1. Ngày làm việc có số giờ làm việc tiêu chuẩn là 8 giờ.

2. Ngày làm việc có số giờ làm việc tiêu chuẩn nhiều hơn 8 giờ nhưng không quá 12 giờ.

3. Ngày làm việc có số giờ làm việc tiêu chuẩn từ 4 giờ đến dưới 8 giờ

4. Cho nghỉ trọn ngày.

II – NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG QUỸ THỜI GIỜ LÀM VIỆC TIÊU CHUẨN

1. Trong năm, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn được lập kế hoạch xác định theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH (gồm cả thời giờ nghỉ ngơi trong ngày được tính là thời giờ làm việc) không được vượt quá quỹ thời giờ làm việc tiêu chuẩn trong năm (TQ) đã xác định tại Điều 3 Thông tư này.

2. Số giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày ít hơn 8 giờ, nếu đã được lập kế hoạch xác định theo hướng dẫn nêu tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Thông tư này, thì NSDLĐ không phải trả lương ngừng việc cho NLĐ.

3. Số giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày đã được lập kế hoạch mà thực tế không bố trí cho NLĐ làm việc, thì NSDLĐ phải trả lương ngừng việc cho NLĐ.

4. Số giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày nhiều hơn 8 giờ đã được xác định trong kế hoạch tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, thì số giờ chênh lệch đó không tính là thời giờ làm thêm.

5. Số giờ làm việc thực tế hằng ngày vượt quá số giờ làm việc tiêu chuẩn đã được lập kế hoạch theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này, thì số giờ đó được tính là giờ làm thêm, đồng thời NSDLĐ phải trả tiền lương làm thêm giờ và thực hiện các chế độ liên quan đến làm thêm giờ cho NLĐ theo đúng quy định của Bộ luật Lao động.

Ví dụ 1: Trong tháng 2, công ty X bố trí cho công nhân A làm việc 7 giờ/ngày trong 8 ngày làm việc, sau đó cho nghỉ trọn 11 ngày làm việc. Công ty thực hiện theo đúng kế hoạch đã lập nêu tại ví dụ 3 trên, như vậy:

– Số giờ làm việc ít hơn so với 8 giờ của ngày làm việc bình thường là:

8 giờ – 7 giờ = 1 giờ; 1 giờ này không phải trả lương ngừng việc;

– Số ngày nghỉ việc là 11 ngày cũng không phải trả lương ngừng việc.

Ví dụ 2: Tháng 3, do tình hình sản xuất kinh doanh công ty X bố trí cho công nhân A làm việc 5 giờ/ngày trong 13 ngày làm việc, sau đó cho nghỉ trọn 14 ngày làm việc. Như vậy, so với kế hoạch đã được công ty lập ra cho công nhân A vào tháng 3 nêu tại ví dụ 3 trên, thì:

– Số giờ làm việc thực tế ít hơn so với số giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày là:

7 giờ – 5 giờ = 2 giờ; 2 giờ này phải trả lương ngừng việc;

– Số ngày ngừng việc so với kế hoạch là 14 ngày; 14 ngày này phải trả lương ngừng việc.

Ví dụ 3: Trong tháng 9, công ty X bố trí cho công nhân A làm việc 8 giờ/ngày. Như vậy, so với kế hoạch đã được công ty lập ra cho công nhân A vào tháng 9 tại ví dụ 5 nêu trên, thì số giờ làm việc nhiều hơn so với số giờ làm việc tiêu chuẩn là: 8 giờ – 6 giờ = 2 giờ; 2 giờ này được tính vào tổng số giờ làm thêm, công ty X phải trả tiền lương và thực hiện các chế độ khác liên quan đến làm thêm giờ theo đúng quy định hiện hành.

Ví dụ 4: Trong tháng 10, công ty X bố trí cho công nhân A làm việc 10 giờ từ thứ hai đến thứ sáu, 8 giờ vào thứ bảy hằng tuần theo đúng kế hoạch của công ty được nêu tại ví dụ 3 trên. Số giờ làm việc nhiều hơn so với 8 giờ làm việc bình thường là: 10 giờ – 8 giờ = 2 giờ; 2 giờ này không tính là giờ làm thêm.

III – GIỚI HẠN GIỜ LÀM VIỆC TIÊU CHUẨN HẰNG NGÀY VÀ GIỜ LÀM THÊM

1. Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ.

2. Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần, tháng được quy định như sau:

a) Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 72 giờ.

b) Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ.

c) NSDLĐ quyết định lựa chọn áp dụng quy định tại điểm a hoặc quy định tại điểm b khoản này, ghi vào kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm quy định tại khoản 2, Điều 8 Thông tư này.

3. Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi NLĐ không quá 300 giờ.

Ví dụ 1: Do yêu cầu đột xuất, trong tháng 5 và tháng 6, công ty X có nhu cầu phải làm thêm giờ. Công ty đã đăng ký giới hạn giờ làm thêm theo tháng. Công ty có thể bố trí làm thêm giờ với công nhân A như sau:

– Từ thứ Hai đến thứ Bảy đều làm việc 12 giờ/ngày.

– Tháng Năm làm thêm thêm 33 giờ; Tháng Sáu làm thêm thêm 30 giờ

IV – THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI

1. Hằng tuần, NLĐ được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 04 ngày nghỉ cho NLĐ.

2. Việc nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca đối với từng NLĐ thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP .

3. NSDLĐ phải bố trí để NLĐ được nghỉ ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác; việc rút ngắn giờ làm việc và đảm bảo thời giờ nghỉ ngơi của lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người cao tuổi; quyết định việc nghỉ không hưởng lương đúng theo quy định của Bộ luật Lao động.

Lưu ý: Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2022.

Add Comment