Bạn đọc hỏi: Bố tôi bắt đầu đóng BHXH bắt buộc từ ngày 01/01/2000, bố tôi làm việc trong điều kiện bình thường tại một doanh nghiệp tư nhân và bị suy giảm khả năng lao động 63%, nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01/10/2022 khi đủ 56 tuổi 01 tháng, có 22 năm 9 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Mức lương của bố tôi trong thời gian đóng BHXH là:
- Từ ngày 01/01/2000 đến 31/12/2004: mức lương là 5.000.000 đồng;
- Từ ngày 01/01/2005 đến 31/12/2008: mức lương 8.000.000 đồng;
- Từ ngày 01/01/2009 đến 31/12/2012: mức lương 10.000.000 đồng;
- Từ ngày 01/01/2013 đến 31/12/2015: mức lương 12.000.000 đồng;
- Từ 01/01/2016 đến 31/12/2019: mức lương 15.000.000 đồng;
- Từ 01/01/2020 đến nay: mức lương 18.000.000 đồng.
Cho tôi hỏi mức lương hưu hằng tháng của bố tôi là bao nhiêu?
- Số tiền điều chỉnh 15% lương hưu được tính như thế nào?
- Lương hưu tháng 7/2024 nhận theo mức mới hay mức cũ
- Mức đóng háng tháng 1.337.000, khi về hưu nhận 1.800.000 có đúng không?
- So sánh số tiền giữa rút BHXH 1 lần với nhận lương hưu hàng tháng
- Những lợi ích của việc nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua ATM
Tuvanbhxh thông tin đến bạn như sau:
Trước hết, cần phải xem xét trường hợp của bố bạn có được hưởng lương hưu khi nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn do suy giảm khả năng lao động hay không.
Theo quy định tại Điều 55 Luật BHXH 2014, điểm b khoản 1 Điều 219 Bộ luật lao động 2019, điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, khoản 16 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH thì người lao động có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động. Theo đó, điều kiện về tuổi đời nghỉ hưu trong trường hợp này đối với nam khi nghỉ hưu trong năm 2022 là đủ 55 tuổi 6 tháng.
Có thể thấy, bố bạn đã đóng BHXH được 22 năm 9 tháng, bị suy giảm khả năng lao động 63% và nghỉ hưu vào năm 2022 khi đã 56 tuổi 1 tháng, do đó, bố bạn đủ điều kiện hưởng lương hưu ở tuổi thấp hơn do suy giảm khả năng lao động.
Theo quy định tại Điều 56 Luật BHXH 2014, khoản 1 và 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Điều 17 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Năm nghỉ hưu | Số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% |
2018 | 16 năm |
2019 | 17 năm |
2020 | 18 năm |
2021 | 19 năm |
Từ 2022 trở đi | 20 năm |
Khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu, trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm; từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm. Ngoài ra, khoản 16 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH quy định trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi có thời gian lẻ dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, thời gian lẻ từ 6 tháng trở lên thì tính mức giảm là 1%.
Về mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật BHXH 2014, khoản 2 Điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, khoản 2 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, NLĐ có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Mức bình quân tiền lương | = | Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đóng bảo hiểm xã hội / Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội |
Như vậy, đối với trường hợp của bố bạn, mức lương hưu hằng tháng được tính như sau:
Đối với tỷ lệ hưởng lương hưu:
– 20 năm đầu từ ngày 01/01/2000 đến 31/12/2019 được tính bằng 45%;
– Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 01/10/2022 là 2 năm 9 tháng, được làm tròn thành 3 năm, do đó tính thêm: 3 x 2% = 6%;
– Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 6% = 51%
– Bố bạn nghỉ hưu khi 56 tuổi 01 tháng, nghỉ hưu trước tuổi (60 tuổi 6 tháng) là 4 năm 5 tháng nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 4 x 2% = 8%;
Vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bố bạn là 51% – 8% = 43%.
Đối với mức bình quân tiền lương: (5.000.000 x 60 + 8.000.000 x 48 + 10.000.000 x 48 + 12.000.000 x 36 + 15.000.000 x 48 + 18.000.000 x 33) / 273 = 10.659.340,7 đồng.
Mức lương hưu hằng tháng = 43% x 10.659.340,7 = 4.583.516,48 đồng.
Lưu ý: Mức hưởng trên chưa tính hệ số trượt giá.