Điều kiện và Mức hưởng trợ cấp tuất một lần năm 2022 thế nào?

Có thể hiểu đơn giản rằng, chế độ tử tuất phát sinh sau khi NLĐ hoặc người đang hưởng lương hưu chết (đã hoặc đang tham gia BHXH). Trong đó, có hai trường hợp hưởng trợ cấp tuất: một là, trợ cấp tuất hằng tháng; hai là, trợ cấp tuất một lần. Theo đó, mỗi trường hợp đều có những điều kiện và mức hưởng khác nhau.

Như vậy, để được nhận trợ cấp tuất một lần thì cần những điều kiện gì? Mức hưởng ra sao?

I – ĐIỀU KIỆN HƯỞNG TRỢ CẤP TUẤT MỘT LẦN

Căn cứ Điều 69 Luật BHXH năm 2014 thì các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần được quy định như sau:

Những người quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần:

1. NLĐ chết không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 67 của Luật này;

2. NLĐ chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 67 nhưng không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng quy định tại Khoản 2 Điều 67 của Luật này;

3. Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

4. Trường hợp NLĐ chết mà không có thân nhân quy định tại khoản 6 Điều 3 của Luật này thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Theo đó, tại Khoản 6 Điều 3 Luật BHXH năm 2014 thì thân nhân là con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia BHXH hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

II – MỨC HƯỞNG TRỢ CẤP TUẤT MỘT LẦN

Căn cứ Điều 70 Luật BHXH năm 2014 thì mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của NLĐ đang tham gia BHXH hoặc NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cụ thể như sau:

+ Cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014;

+ Bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho các năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi;

Lưu ý:

  1. Mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
  2. Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính trợ cấp tuất một lần thực hiện theo quy định tại Điều 62 Luật BHXH năm 2014.
  3. Khi tính trợ cấp tuất một lần đối với người đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết mà thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
  4. Trường hợp tính đến trước ngày 01/01/2014 nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn từ ngày 01/01/2014 trở đi để làm căn cứ tính trợ cấp tuất một lần (Căn cứ Khoản 4 Điều 27 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).
  5. Chế độ tử tuất đối với người đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH đồng thời là người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
  6. NLĐ đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH đồng thời là người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng khi chết thì thân nhân của NLĐ được lựa chọn giải quyết chế độ tử tuất với mức hưởng cao hơn theo đối tượng đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng chết hoặc theo đối tượng người đang tham gia BHXH, đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết (Căn cứ Khoản 25 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH).

Ví dụ: Ông T bị ốm chết, có thời gian đóng BHXH từ tháng 10/2005 đến 3/2017. Ông T có mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là 5.000.000 đồng/tháng.

– Ông T có 8 năm 03 tháng đóng BHXH ở giai đoạn trước ngày 01/01/2014; có 3 năm 03 tháng đóng BHXH ở giai đoạn từ ngày 01/01/2014 trở đi.

– Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của ông T được tính như sau (08 năm đóng trước năm 2014 và 3 năm 6 tháng đóng từ năm 2014 trở đi):

Như vây, số tiền trợ cấp tuất một lần của ông T là: [(8 * 1,5) + (3,5 * 2)] * 5.000.000 đồng = 95.000.000 đồng.

Đối với trường hợp, mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, cụ thể như sau:

+ Nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng;

+ Nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.

Chú ý: Mức lương cơ sở dùng để tính trợ cấp tuất một lần là mức lương cơ sở tại tháng mà NLĐ (đã hoặc đang tham giam BHXH) chết.

Ngoài ra, căn cứ Khoản 24 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH thì có bổ sung thêm trường hợp lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần, cụ thể như sau:

1. Khi xác định tuổi của con để làm căn cứ giải quyết chế độ tử tuất trong trường hợp thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần thì con dưới 6 tuổi được tính đến hết tháng liền kề trước tháng sinh của năm đủ 6 tuổi.

2. Các trường hợp đã được giải quyết trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng theo đúng quy định của pháp luật thì không được trả lại trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng đã nhận để giải quyết hưởng lại trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần.

Lưu ý chung: Phạm vi bài viết chỉ đề cập đến trường hợp NLĐ có toàn thời gian tham gia BHXH bắt buộc.

Add Comment