Điều kiện và Mức hưởng trợ cấp tuất hằng tháng năm 2022 thế nào ?

Chế độ tử tuất là một trong những chế độ quan trọng của BHXH. Thế nhưng, rất ít người quan tâm đến chế độ này dẫn đến việc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình.

Như vậy, để được nhận trợ cấp tuất hằng tháng thì cần những điều kiện gì? Mức hưởng ra sao?

I – ĐIỀU KIỆN HƯỞNG TRỢ CẤP TUẤT HẰNG THÁNG

a. Đối với NLĐ

Căn cứ Khoản 1 Điều 67 Luật BHXH năm 2014 thì những người quy định tại Khoản 1 và khoản 3 Điều 66 Luật BHXH năm 2014 thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:

a) Đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần;

b) Đang hưởng lương hưu;

c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

b. Đối với thân nhân NLĐ

Căn cứ Khoản 2, Khoản 3 Điều 67 Luật BHXH năm 2014 thì không phải bất cứ ai là thân nhân của NLĐ đều được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng mà thân nhân của những người quy định tại Khoản 1 Điều 76 Luật BHXH năm 2014 mới được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:

a) Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

b) Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; theo đó, vợ hoặc chồng phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở.

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ; theo đó, cha mẹ hoặc thành viên khác trong gia đình phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở.

d) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; theo đó, cha mẹ hoặc thành viên khác trong gia đình phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở.

II – MỨC HƯỞNG TRỢ CẤP TUẤT HẰNG THÁNG

Căn cứ Điều 68 Luật BHXH năm 2014 thì mức trợ cấp tuất hằng tháng sẽ phụ thuộc vào việc thân nhân có người trực tiếp nuôi dưỡng hay không, cụ thể như sau:

+ Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở;

+ Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Về mức lương cơ sở

+ Căn cứ Khoản 8 Điều 4 Nghị quyết 70/2018/QH14 thì mức lương cơ sở năm 2019-2020 là 1.490.000 đồng/tháng.

+ Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 86/2019/QH14 thì mức lương cơ sở năm 2020-2021 là 1.600.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, căn cứ Khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 thì Quốc hội đã quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Tức là không tăng mức lương cơ sở trong năm 2020-2021 để dành kinh phí cho phòng chống dịch Covid-19.

Do đó, mức lương cơ sở năm 2021 vẫn áp dụng mức lương cơ sở năm 2019 là 1.490.000 đồng. Có thể thấy, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đời sống kinh tế, xã hội của nước ta bị ảnh hưởng nặng nề. Mọi nguồn lực hiện đang được dồn cho việc phòng, chống dịch cũng như phát triển kinh tế. Do đó, ảnh hưởng đến việc cải cách tiền lương, dẫn đến mức lương cơ sở trong năm 2022 có thể vẫn giữ nguyên là 1.490.000 đồng.

Như vậy, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng: 50% * 1.490.000 đồng = 745.000 đồng/01 tháng; mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân (trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng) bằng: 70% * 1.490.000 đồng = 1.043.000 đồng/01 tháng.

Ví dụ 1: Bà Tr có thời gian đóng BHXH bắt buộc 20 năm, có một con 5 tuổi. Hai vợ chồng bà Tr không may bị chết trong một vụ tai nạn giao thông. Trong trường hợp này, con của bà Tr được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Ví dụ 2: Ông P là đối tượng đang tham gia BHXH bắt buộc, bị chết do bệnh; ông P có vợ 56 tuổi (không có nguồn thu nhập), có một con 13 tuổi. Trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân của ông P được giải quyết như sau:

+ Con ông P hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 50% mức lương cơ sở;

+ Vợ ông P được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở cho đến khi con ông P đủ 18 tuổi, sau đó hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 50% mức lương cơ sở.

Ví dụ 3: Ông V là con duy nhất trong gia đình, mẹ đã chết, bố 62 tuổi (không có nguồn thu nhập). Ông V là đối tượng đang tham gia BHXH bắt buộc, bị chết do tai nạn lao động. Trong trường hợp này, bố ông V thuộc diện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Ví dụ 4: Bà K 57 tuổi (không có nguồn thu nhập), chồng đã chết, có một con gái duy nhất đã lấy chồng (hiện đã chết). Con rể bà K có thời gian đóng BHXH bắt buộc 16 năm, bị chết do tai nạn rủi ro. Trong trường hợp này, bà K thuộc diện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Bên cạnh đó, trường hợp một người chết thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 67 Luât BHXH năm 2014 thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 04 người; Trường hợp có từ 02 người chết trở lên thì thân nhân của họ được hưởng 02 lần mức trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định trên (Căn cứ Khoản 2 Điều 68 Luật BHXH năm 2014).

Ví dụ: Hai vợ chồng bà T đều đang tham gia BHXH bắt buộc, có một con duy nhất 6 tuổi. Cả hai vợ chồng bà T bị chết do tai nạn lao động. Do vậy, con của vợ chồng bà T sẽ được hưởng 02 lần mức trợ cấp tuất hằng tháng (bằng 2 lần của 70% mức lương cơ sở).

Lưu ý: Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà NLĐ chết. Trường hợp khi bố chết mà người mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh.

Add Comment