Cách tính lương hưu khi tham gia BHXH bắt buộc trước BHXH tự nguyện sau và ngược lại có gì khác?

Có bạn đọc tên “Tiến”, gmail: bietdoibaothux@gmail.com gửi đến câu hỏi đến Tuvanbhxh như sau: “Đóng BHXH bắt buộc trước, sau đóng BHXH tự nguyện hoặc đóng BHXH tự nguyện trước, đóng BHXH bắt buộc sau. Đến tuổi được hưởng lương hưu thì cách tính lương hưu cho mỗi trường hợp.”

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi trên TUVANBHXH, chúng tôi thông tin đến cho bạn như sau:

Khi nhắc đến BHXH thì cụm từ này không còn quá xa lạ với NLĐ. Theo đó, BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà NLĐ và người sử dụng lao động phải tham gia, BHXH bắt buộc có cá chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn, hưu trí và tử tuất. Còn đối với BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Trong đó, NLĐ khi tham gia BHXH thì cần phải chú ý 03 nguyên tắc sau:

1. Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH.

2. Mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của NLĐ. Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn.

3. NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH (Thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH).

Bạn có thể tham khảo 02 bài viết: “Điều kiện và mức hưởng lương hưu hằng tháng BHXH tự nguyện” và “Tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện thì mức lương hưu tính thế nào?”, để hiểu rõ hơn một số nội dung có liên quan đối với vấn đền này.

CÁCH TÍNH LƯƠNG HƯU (ĐỦ ĐIỀU KIỆN HƯỞNG LƯƠNG HƯU) CHO MỖI TRƯỜNG HỢP TRÊN NHƯ SAU:

THỨ NHẤT, THAM GIA BHXH BẮT BUỘC TRƯỚC, SAU ĐÓ THAM GIA BHXH TỰ NGUYỆN

Căn cứ Điều 74 Luật BHXH năm 2014; Điều 5 Nghị định 134/2015/NĐ-CP thì:

Mức lương hưu hằng tháng=Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng thángxMức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH

Lưu ý: Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên, trừ đối tượng “Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn” “Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH bắt buộc, đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH năm 2014 mà bảo lưu thời gian đã đóng BHXH và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì được hưởng lương hưu khi có yêu cầu” thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu.

+ Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì người lao động (kể cả nam và nữ) được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

+ Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH được tính theo công thức sau:

Trong đó:

– Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật BHXH năm 2014.

– Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện là tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện đã được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.

THỨ HAI, THAM GIA BHXH TỰ NGUYỆN TRƯỚC, SAU ĐÓ THAM GIA BHXH BẮT BUỘC

Căn cứ Điều 56 Luật BHXH năm 2014; Điều 11 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì:

Mức lương hưu hằng tháng=Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng thángxMức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng BHXH

+ Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì người lao động (kể cả lao động nam và nữ) được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

+ Mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng BHXH được tính theo công thức sau:

Trong đó:

– Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc được tính theo quy định tại Điều 9 của Nghị định Nghị định 115/2015/NĐ-CP.

– Mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện là mức thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 của Luật BHXH năm 2014.

Nhìn chung, cách tính lương hưu hằng tháng của 02 trường hợp trên là giống nhau.

Trên đây là một số thông tin mà chúng tôi muốn gửi đến bạn. Mong sẽ hữu ích đối với bạn!

Add Comment

Một ý kiến cho bài viết “Cách tính lương hưu khi tham gia BHXH bắt buộc trước BHXH tự nguyện sau và ngược lại có gì khác?

  1. Việc giảm thời gian đóng hưởng từ 20 xuống 15 năm mà quyết định vô cùng chậm. Là quan tâm tới người lao động rất ít. Trong khi, tăng tuổi nghỉ hưu nhanh là quan tâm quyền lợi của BHXH nhiều. Có sự yên tâm và tin tưởng ở đây không? Rút 1 lần nhiều cho thấy điều phải làm.