Chiều 02/11, thảo luận tại Tổ về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), các Đại biểu Quốc hội đánh giá việc bổ sung chế độ thai sản là cần thiết để tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện.
Khảo sát, tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là do chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn, người lao động chưa được hưởng các quyền lợi ngắn hạn, trong khi mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. Trong khi thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.
- Quốc hội thông qua giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm được hưởng hưu
- Tải dự thảo Nghị định tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 01/7/2024
- Tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp xã hội hiện hưởng từ ngày 01/7/2024
- Tăng lương cơ sở 2,34 triệu, chưa thực hiện cải cách tiền lương ngay!
- Mức tham chiếu sẽ thay thế lương cơ sở để tính các chế độ BHXH từ ngày 1/7/2024?
Bổ sung chế độ thai sản, tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện (Ảnh minh họa)
Cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII về cải cách chính sách BHXH là: BHXH tự nguyện với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác, Dự thảo Luật BHXH quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con (bằng mức mà NSNN đang hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số). Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của NSNN từng thời kỳ. Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do NSNN đảm bảo nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách (đặc biệt đối với lao động trẻ), gia tăng quyền lợi cho người tham gia trong khi người tham gia sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.
Phát biểu tại Tổ, Đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng (TP.Hồ Chí Minh) nhận định, quy định như Dự thảo Luật sẽ tăng tính hấp dẫn, khuyến khích được người dân tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, mức hỗ trợ 2 triệu đồng theo ý kiến của cử tri nên thay băng tỷ lệ % theo mức thu nhập bình quân tối thiểu của từng vùng hoặc bình quân của 4 vùng cộng lại. Giá trị tiền thay đổi hằng năm vì thế không nên quy định cụ thể.
Đại biểu Hà Phước Thắng cũng nêu ý kiến, nếu cả vợ hoặc chồng cùng tham gia BHXH tự nguyện thì khi sinh con cả 2 sẽ cùng được hưởng chế độ này, sẽ tăng mức hấp dẫn của chính sách.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) nêu ý kiến, mức hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho một con là rất thấp. Theo tiêu chuẩn quốc tế, phụ nữ cần được nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần thì mức này chỉ tương đương 145.000 đồng/tuần, tức là khoảng 600.000 đồng/tháng, bằng 40% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn.
Thực tiễn thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số. Do đó, tôi đề xuất mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) là 1,5 triệu đồng/tháng (mức chuẩn nghèo nông thôn) trong 14 tuần (3,5 tháng) là phù hợp và vẫn giữ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Chi phí hưởng chế độ thai sản do ngân sách nhà nước chi trả tại tầng 1 và có sự chia sẻ quỹ thai sản của chính sách BHXH, nhằm đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân cho tất cả các bà mẹ sinh con tại Việt Nam.
Hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam có thể giảm gánh nặng tài chính từ việc đóng BHXH đối với các hộ gia đình không có khả năng đóng góp, góp phần tăng mức độ bảo vệ thai sản cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, qua đó tăng diện bao phủ của BHXH. Mục tiêu của trợ cấp gia đình/trợ cấp trẻ em là góp phần đảm bảo không một phụ nữ Việt Nam nào (hoặc gia đình) bị rơi vào tình trạng nghèo vì sinh con.
Add Comment