Có nên nhận BHXH 1 lần? 07 “cái mất” khi nhận BHXH một lần!

Trong thời gian qua, mặc dù ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) cùng các cơ quan báo, đài đã tích cực tuyên truyền những “thiệt thòi” khi nhận tiền BHXH 1 lần. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh năm 2021 tác động mạnh mẽ, cộng với người lao động không có sự tính toán hợp lý cho tương lai nên đa phần người tham gia BHXH ở các Công ty, doanh nghiệp khi nghỉ việc đều chọn nhận tiền BHXH 1 lần sau 01 năm nghỉ việc.

Hãy cũng nhìn lại những “cái mất” khi người lao động tham gia BHXH nhận BHXH 1 lần, để người lao động có thể quyết định có nên nhận BHXH 1 lần sau khi nghỉ việc.

có nên nhận BHXH 1

7 “cái mất” khi người lao động nhận BHXH 1 lần!

1 – Số tiền nhận được ít hơn so với số tiền đóng BHXH:

Theo quy định Luật BHXH hiện tại thì người lao động và người sử dụng lao động mỗi tháng sẽ đóng bằng 22% (quỹ hưu trí, tử tuất) tháng lương vào quỹ BHXH, như vậy mỗi năm (12 tháng) người lao động và người sử dụng lao động sẽ đóng tổng cộng bằng 12 x 22% = 2,64 tháng lương đóng BHXH.

Tuy nhiên nếu người lao động chọn nhận BHXH 1 lần thì mức hưởng được tính như sau:

  • Nếu tham gia trước năm 2014 sẽ bằng 1,5 tháng mức bình quân lương đóng BHXH (người lao động sẽ mất 2,64 – 1,5= 1,14 tháng lương đóng BHXH).
  • ếu tham gia sau năm 2014 sẽ bằng 02 tháng mức bình quân lương đóng BHXH (người lao động sẽ mất 2,64 – 2= 0,64 tháng lương đóng BHXH).

Do tham gia BHXH tại các Công ty, doanh nghiệp người lao động được tham gia BHXH theo hình thức bắt buộc nên được Công ty, doanh nghiệp hỗ trợ một phần mức đóng, nên khi nhận BHXH 1 lần sẽ thấy tiền nhiều hơn so với số mình đóng. Tuy nhiên nếu tính chi tiết như trên thì người lao động sẽ mất rất nhiều nếu như nhận BHXH 1 lần khi nghỉ việc, nếu như vẫn chưa giải quyết được thắc mắc có nên nhận BHXH 1 hay không thì xin mời các bạn xem tiếp các lý do bên dưới.

2 – Không tính thời gian hưởng các chế độ khác

Với tổng mức đóng BHXH của người lao động và ngưởi sử dụng lao động hiện nay là 25,5% thì trong đó sẽ có các quỹ thành phần khác, cụ thể: Quỹ Hưu trí, tử tuất là 22% như đã đề cập ở trên; 3% là quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% là quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 5 của Luật BHXH số 58/2014/QH13 thì “Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.”

Như vậy khi người lao động hưởng BHXH 1 lần xem như “làm lại từ đầu”, khi có tham gia lại BHXH về sau.

3 – Mất cơ hội hưởng hưu hàng tháng.

Nếu như người lao động không “tích lũy” thời gian tham gia BHXH ngay từ lúc đầu, khi hết tuổi lao động sẽ không đủ điều kiện để hưởng lương hưu hàng tháng. Nếu có đủ điều kiện hưởng hưu trí hàng tháng thì tỷ lệ hưởng sẽ thấp hơn so với những lao động có thời gian tham gia lâu dài. Từ đó số tiền hưởng hàng tháng sẽ thấp không đủ lo cho cuộc sống cơ bản về sau.

Vì theo quy định của Luật BHXH hiện hành khi người lao động hết tuổi lao động (Nam đến năm 2028 là 62 tuổi, nữ đến 2035 là 60 tuổi) và có đủ 20 năm đóng BHXH mới được hưởng hưu trí hàng tháng. Đây chỉ là điều kiện cần và đủ để hưởng hàng tháng, để hưởng mức tối đa (75%) thì đối với lao động nam cần tham gia đủ 35 năm BHXH và đối với nữ là 30 năm BHXH.

Giả sử, người lao động nam năm nay 30 tuổi đã tham gia BHXH được 10 năm nhưng lại hưởng BHXH 1 lần. Nếu từ thời điểm hiện tại đến hết tuối lao động có tham gia BHXH liên tục không hưởng BHXH 1 lần nữa, đủ điều kiện hưởng hưu thì vẫn không thể hưởng mức cao nhất 75% (chỉ có 32 năm đóng BHXH).

4 – Phụ thuộc vào con cái, người thân khi hết tuổi lao động.

Rất nhiều người cao tuổi (hết tuổi lao động) hiện nay không có thu nhập ổn định, đa phần đều trông chờ vào nguồn chu cấp của con cái, người thân. Khi hết tuổi lao động thì sức khỏe đã giảm, hầu hết các Công ty, doanh nghiệp đều không nhận vào làm. Còn nếu ở nông thôn thì cũng thể kiếm được công việc ổn định. Nên nếu gia đình không có kinh tế ổn định sẽ là gánh nặng cho con cái trong gia đình và cho xã hội. Phải đến 80 tuổi thì mới nhận được trợ cấp người cao tuổi.

Do đó tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con” đối với thời buổi kinh tế thị trường không còn phù hợp nữa. Mỗi người hiện nay còn trong tuổi lao động nên tính toán hợp lý đường dài cho tương lai, phải có tích lũy ngay từ bây giờ để khi tuổi già sẽ được an vui, có cuộc sống thoải mái bên cạnh con, cháu.

5 – Mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục.

Người lao động sẽ được đóng BHXH và cả BHYT khi tham gia BHXH bắt buộc tại các Công ty, doanh nghiệp nên ngoài mất các quyền lợi về BHXh như trên, thì người lao động cần chú ý đến quyền lợi về BHYT. Nếu như nghỉ việc và dừng đóng BHXH, thì nên tham gia lại BHYT theo hộ gia đình để thẻ BHYT được liên tục.

Với việc BHYT có thời gian tham gia liên tục 5 năm trở lên đồng thời trong năm số tiền người tham gia cùng chi trả đúng tuyền với trên 6 tháng lương cơ sở thì người tham gia sẽ được hưởng quyền lợi 100% trong năm đó. Với những trường hợp bệnh nặng thì đây là cánh phao cứu sinh để giúp người tham gia vượt qua khó khăn.

6 – Mất cơ hội để được cấp thẻ BHYT miễn phí

Khi người tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng hưu trí hàng tháng, thì ngoài việc nhận lương hưu hàng tháng, thì người tham gia còn được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT miễn phí. Quyền lợi hưởng 95%.

So với thẻ BHYT tham gia theo hộ gia đình thì quyền lợi cao hơn 15%. Người tham gia có thể cân nhắc việc hưởng BHXH để đóng tiếp tục hưởng hưu trí khi về già. Vì ngoài việc hưởng quyền lợi về BHXH thì thẻ BHYT cũng là một quyền lợi cực lớn khi về già, khi hết tuổi lao động, tuổi cao, sức yếu sẽ bệnh nhiều hơn, chưa kể đến chi phí mua thẻ BHYT hằng năm thì việc được hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh đã là quá đủ!

7 – Thân nhân không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất.

Ngoài chế độ Hưu trí hàng tháng như đã nêu các mục trên. Người tham gia BHXH khi đã hưởng hưu mà qua đời thì thân nhân còn được hưởng mai táng phí (10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người hưởng hưu mất), đồng thời hưởng tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu của người đang hưởng.

Ngoài ra, trong thời gian đang gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH bắt buộc (tham gia từ 12 trở lên), không may người tham gia mất thì thân nhân vẫn được hưởng tiền mai táng phí (10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người tham gia mất), đồng thời hưởng tiền tử tuất một lần (nếu tham gia trước năm 2014 thì 1,5 tháng lương bình quân đóng BHXH; nếu tham gia sau năm 2014 thì 2 tháng lương bình quân đóng BHXH).

Có thể thấy, nếu phân tích một cách chi tiết, thì người lao động sẽ mất rất nhiều thứ khi nhận BHXH 1 lần mà không tiếp tục tham gia để hưởng hưu trí hàng tháng. Bây giờ người lao động có thể tự trả lời cho câu hỏi có nên nhận BHXH 1 hay không!

Add Comment