NLĐ “được gì” và “mất gì” khi rút BHXH một lần?

Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2020-2021 thì số lượng NLĐ rút BHXH tăng nhanh đột ngột. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do do dịch bệnh COVID-19 khiến không ít NLĐ rơi vào cảnh mất việc, thất nghiệp và để có tiền trang trải cho cuộc sống, họ đã phải lựa chọn rút BHXH một lần.

Do đó, với góc nhìn khách quan thì cái “được” và cái “mất” khi NLĐ rút BHXH một lần là gì?

A – CÁI “ĐƯỢC” KHI NLĐ RÚT BHXH MỘT LẦN

Để được rút BHXH một lần, trước hết bạn cần xác định xem mình có thuộc một trong các đối tượng được hưởng chế độ này hay không và có yêu cầu.

Bạn có thể tham khảo các bài viết có liên quan sau: “Điều kiện, hồ sơ, thủ tục rút BHXH một lần – Thời gian nhận tiền”, “Tham gia 03 năm 09 tháng. Mức hưởng BHXH một lần được tính như thế nào?”, “Ngừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có được rút BHXH một lần hay không?”.

Nhìn chung, khi NLĐ rút BHXH một lần thì cái “được” ở đây là: NLĐ sẽ có một khoản “ tiền lớn” – “tiền tươi” – “tiền mặt” (khoản tiền nhất định dựa theo số năm đóng BHXH và mức đóng BHXH) mà không cần chờ đợi để đủ số năm đóng BHXH, đủ tuổi theo quy định để hưởng lương hưu. Khi đó, NLĐ sẽ có một khoản tiền để:

– Sử dụng, chi tiêu hoặc giải quyết các vấn đề trước mắt mà NLĐ đang gặp phải trong cuộc sống (đời sống sinh hoạt, bệnh tật nan y – nguy hiểm đến tính mạng….)

– Có một khoản tiền khá lớn để đầu tư, làm ăn, kinh doanh theo sở thích hoặc định hướng công việc tương lai của mỗi NLĐ.

– Có một khoản tiền để đáp ứng nhu cầu cá nhân, khi NLĐ lựa chọn rời khỏi hệ thống BHXH để ra nước ngoài định cư, sinh sống.

B – CÁI “MẤT” KHI NLĐ RÚT BHXH MỘT LẦN

Điều dễ nhận thấy, khi rút BHXH một lần, đồng nghĩa với việc NLĐ rời khỏi hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được hưởng các chế độ dài hạn của BHXH.Khi đó, NLĐ rút BHXH một lần thì sẽ nhận được một khoản tiền ngay tại thời điểm đó, nhưng NLĐ sẽ đánh mất nhiều quyền lợi lâu dài của bản thân.

Bạn có thể tham khảo bài viết có liên quan sau: Đóng BHXH 12 năm thì nên rút BHXH một lần hay hưởng lương hưu?”.

Khi NLĐ rút BHXH một lần thì cái “mất” ở đây là:

Thứ nhất, về mức hưởng. Căn cứ Điều 85, Điều 86 Luật BHXH năm 2014 quy định về mức đóng và phương thức đóng của NLĐ, NSDLĐ tham gia BHXH bắt buộc thì NLĐ đóng số tiền hằng tháng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất, NSDLĐ hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH của NLĐ là 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Theo đó, tổng số tiền mà NLĐ và NSDLĐ đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất của BHXH trong một năm là 2,64 tháng lương.

Trong khi đó, căn cứ Điều 66, Điều 77 Luật BHXH năm 2014 thì mức rút BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Như vậy, nếu rút BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014, và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Thứ hai, NLĐ rút BHXH một lần thì sẽ không được hưởng các quyền lợi, phúc lợi kèm theo đối với NLĐ hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH, cụ thể là:

– Ngoài hưởng lương hưu hằng tháng, hàng năm khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu thì họ cũng được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế.

–  Trợ cấp tử tuất do quỹ BHXH chi trả dành cho thân nhân NLĐ trong trường hợp NLĐ chết.

Trợ cấp mai táng dành cho gia đình/người lo mai táng trong trường hợp NLĐ chết.

– Được cấp thẻ BHYT, quỹ BHXH đóng BHYT và được chi trả chi phí khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật BHYT.

Thứ ba, khi NLĐ rút BHXH một lần thì sau đó NLĐ muốn quay trở lại tham gia BHXH và muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu sau này, nhưng pháp luật về BHXH hiện hành vẫn chưa quy định cách giải quyết về trường hợp này (tức là NLĐ quay lại sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH đã tham gia trước đó). Do một trong những nguyên tắc BHXH là thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, NLĐ rút BHXH một lần thì đã tự mình rời khỏi hệ thống BHXH, đó là một thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế – xã hội cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Nhìn chung, giữa “được” và “mất” khi NLĐ rút BHXH một lần thì không thể đặt trên “bàn cân” để quyết định có nên rút BHXH một lần hay không. Bởi vì, mỗi NLĐ đều có những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, do đó, trước khi quyết định rút BHXH một lần thì NLĐ nên cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng để làm sao phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mình.

Add Comment