Đối tượng đóng, mức đóng, phương thức đóng và giảm trừ mức đóng bhyt theo hộ gia đình

Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật BHYT để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Theo đó, hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú. Ngoài ra, còn có một số đối tượng khác được tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình. Để hiểu rõ hơn về các nội dung liên quan đến vấn đề tham gia BHYT theo hộ gia đình thì cần nắm được những nội dung sau đây:

bhyt theo hộ gia đình

I – ĐỐI TƯỢNG THAM BHYT THEO HỘ GIA ĐÌNH

Căn cứ Khoản 5 Điều 12 Luật BHYT năm 2014, Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì đối tượng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình bao gồm:

  • Thứ nhất, người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
  • Thứ hai, người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3 , 4 và 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và đối tượng đã tham gia BHYT theo quy định tại khoản 1 Điều Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
  • Thứ ba, các đối tượng sau đây được tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình:

+ Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;

+  Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT.

Khi đó, căn cứ Khoản 1 Điều 4 Thông tư 30/2020/TT-BYT thì việc xác định đối tượng trên căn cứ vào một trong các giấy tờ sau đây:

a) Đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành: sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo trực tiếp quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành;

b) Đối với người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội: sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc danh sách có đóng dấu của cơ sở bảo trợ xã hội nơi người đó đang cư trú.

II – MỨC ĐÓNG BHYT THEO HỘ GIA ĐÌNH

Căn cứ điểm k Khoản 1, Khoản 3 Điều 13 Luật BHYT năm 2014, điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì mức đóng BHYT theo hình thức hộ gia đình như sau:

Mức đóng BHYT của nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Căn cứ Khoản 8 Điều 4 Nghị quyết 70/2018/QH14 thì mức lương cơ sở năm 2019-2020 là 1.490.000 đồng/tháng. Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 86/2019/QH14 thì mức lương cơ sở năm 2020-2021 là 1.600.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, căn cứ Khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 thì Quốc hội đã quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Tức là không tăng mức lương cơ sở trong năm 2020-2021 để dành kinh phí cho phòng chống dịch Covid-19.

Như vậy, mức lương cơ sở năm 2021 vẫn áp dụng mức lương cơ sở năm 2019 là 1.490.000 đồng.

Do đó, mức đóng cụ thể như sau:

Thành viên hộ gia đìnhMức đóng
Người thứ 167.050 đồng/tháng
Người thứ 246.935 đồng/tháng
Người thứ 340.230 đồng/tháng
Người thứ 433.525 đồng/tháng
Người thứ 526.820 đồng/tháng
Bảng mức đóng BHYT theo hình thức hộ gia đình năm 2021

III – PHƯƠNG THỨC ĐÓNG BHYT THEO HỘ GIA ĐÌNH

Căn cứ Khoản 6 Luật BHYT năm 2014, Khoản 7 Điều 9 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì phương thức đóng BHYT theo hộ gia đình như sau:

Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, người đại diện hộ gia đình hoặc thành viên hộ gia đình tham gia BHYT nộp tiền đóng BHYT theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định 146/2018/NĐ-CP cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Khoản 3 Điều 10 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định như sau:

“3. Đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình quy định tại Điều 5 Nghị định này:

a) Số tiền đóng của người tham gia hằng tháng được xác định theo mức đóng BHYT nhân (x) với mức lương cơ sở tại thời điểm đóng BHYT;

b) Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng BHYT”.

IV – GIẢM TRỪ MỨC ĐÓNG BHYT THEO HỘ GIA ĐÌNH

Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Thông tư 30/2020/TT-BYT thì việc giảm trừ mức đóng BHYT đối với các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP được thực hiện ngay từ người thứ hai trở đi có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc trong danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo, cơ sở bảo trợ xã hội quy định tại khoản 1 Điều này tham gia BHYT hộ gia đình.

Add Comment