Hành vi gian lận BHYT sẽ bị xử lý thế nào theo luật Hình sự?

Có thể nói, bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân. Hơn nữa, còn góp phần bảo đảm sự công bằng trong khám chữa bệnh, người lao động, người sử dụng lao động và người dân nói chung.

Bên cạnh đó, không ít các đối tượng thực hiện những hành vi gian lận BHYT nhằm mục đích chiếm đoạt tiền hoặc gây thiệt hại đến chế độ, chính sách mà BHTY mang lại cho người tham gia bảo hiểm.

Do đó, để góp phần hoàn thiện chính sách hình sự của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cụ thể là đấu tranh phòng chống tội phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực bảo hiểm thì Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) đã bổ sung hành vi gian lận BHYT.

Hành vi gian lận BHYT
Gian lận BHYT bị xử lý như thế nào?

Điều 215 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Tội gian lận bảo hiểm y tế như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;

b) Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

I. CÁC DẤU HIỆU PHÁP LÝ

1. Khách thể

– Khách thể của tội gian lận BHYT là xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực bảo hiểm. Ta có thể chia thành khách thể trực tiếp và khách thể gián tiếp.

+ Khách thể trực tiếp: chính là quyền và lợi ích của người bệnh tham gia bảo hiểm, người lao động, người dân.

+ Khách thể gián tiếp: là sự ổn định, an toàn của chính sách phúc lợi, an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

2. Mặt khách quan

– Mặt khách quan của tội phạm là tổng hợp các biểu hiện diễn ra tội phạm và tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện qua các hành vi sau:

+ Thứ nhất, hành vi lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;

Trong đó:

  • Lập hồ sơ bệnh án khống là trường hợp không có sự việc khám bệnh, chữa bệnh hoặc có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế nhưng họ không phải điều trị mà vẫn lập hồ sơ bệnh án cho họ.
  • Kê đơn thuốc khống là trường hợp không có sự việc khám bệnh, chữa bệnh hoặc có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế nhưng không có việc sử dụng thuốc mà vẫn kê đơn thuốc cho người có thẻ bảo hiểm y tế.
  • Kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh là trường hợp có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế nhưng kê số lượng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật nhiều hơn số lượng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật mà thực tế người bệnh sử dụng hoặc kê thêm các loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật mà thực tế người bệnh không sử dụng; kê tăng số lượng ngày điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc kê không đúng tên thuốc, vật tư y tế, loại giường và các dịch vụ kỹ thuật khác mà thực tế người bệnh đã sử dụng để làm tăng tiền chi phí khám bệnh, chữa bệnh thanh toán với quỹ bảo hiểm y tế.
  • Chi phí khác là các chi phí phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bao gồm chi phí tiền thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và chi phí giường bệnh (ví dụ: tiền công khám, chi phí vận chuyển người bệnh…).

+ Thứ hai, hành vi giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.

Trong đó:

  • Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế là hành vi lập, sử dụng hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế của người khác để hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
  • Thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống là thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người không đóng hoặc không thuộc diện được các tổ chức, nguồn quỹ khác đóng bảo hiểm y tế theo quy định.
  • Thẻ bảo hiểm y tế giả là thẻ bảo hiểm y tế không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
  • Thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa là thẻ bảo hiểm y tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế nhưng đã bị thu hồi theo quy định của pháp luật và bảo hiểm y tế hoặc thẻ đã bị sửa chữa, làm sai lệch thông tin của người có thẻ.

Lưu ý:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi trên và đồng thời nhằm mục đích  chiếm đoạt tiền BHYT từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng trở lên mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các Điều 174, 353 và 355 của Bộ luật Hình sự 2015; cụ thể là Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 173), Tội tham ô tài sản (Điều 353), Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355) thì mới cấu thành tội phạm này.

2. Gây thiệt hại do hành vi phạm tội gian lận BHYT như trên gây ra không bao gồm số tiền BHYT bị chiếm đoạt.

3. Mặt chủ quan

– Mặt chủ quan của tội gian lận BHYT bao gồm các yếu tố sau: lỗi, động cơ và mục đích.

+ Lỗi của người phạm tội gian lận BHYT là lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

+ Động cơ của tội này là vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

+ Mục đích là chiếm đoạt tiền BHYT hoặc gây thiệt hại cho cơ quan bảo hiểm xã hội

4. Chủ thể

Căn cứ Điều 12 BLHS năm 2015 thì chủ thể của hành vi gian lận BHYT là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Cụ thể hơn là bao gồm 2 loại đối tượng:

+ Một là, những khách hàng tham gia BHYT.

+ Hai là, những người đang làm việc trong bệnh viện , cơ sở y tế, cơ quan bảo hiểm. Hiện nay thì pháp nhân thương mại chưa thuộc phạm vi chịu TNHS về tội phạm này (căn cứ Điều 76  năm BLHS 2015).

II. TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP

  • Trường hợp thực hiện nhiều hành vi cùng loại chiếm đoạt tiền

Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi chiếm đoạt tiền BHYT và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tổng số tiền bảo hiểm của các lần bị chiếm đoạt bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần bị chiếm đoạt, nếu các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

  • Trường hợp thực hiện nhiền lần cùng một hành vi gây thiệt hại

Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi gây thiệt hại cho quỹ BHYT và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tổng số tiền của các lần bị thiệt hại bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sựhì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần gây thiệt hại, nếu các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

  • Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vừa chiếm đoạt tiền vừa gây thiệt hại

Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vừa chiếm đoạt tiền BHYT vừa gây thiệt hại mà số tiền bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý như sau:

+ Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản.

+ Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn.

+ Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả hai tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

III. VỀ HÌNH PHẠT, MỘT SỐ TÌNH TIẾT ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT

Đối với hành vi gian lận BHYT thì những vấn đề về hình phạt, một số tình tiết định khung hình phạt tượng tự như tội gian lận BHXH, BHTN.

Xem bài viết về Tội gian lận BHXH, BHTN dưới đây:

Add Comment